Nhiếp chính vương Wilhelm_I,_Hoàng_đế_Đức

Vào năm 1857, vua Friedrick Wilhelm IV đã bị một cơn đột quỵ không gượng dậy nổi. Ngày 23 tháng 10, Wilhelm 60 tuổi được cử làm Phụ chính của vua anh. Đến ngày 7 tháng 10 năm 1858, ông trở thành Nhiếp chính vương thay mặt anh mình điều hành đất nước. Là người bảo thủ nhưng hình ảnh của ông, đao phủ của Rastatt và kẻ thù không đội trời chung của cách mạng và đối thủ không khoan nhượng trong con mắt dân chúng, đã thay đổi đáng kể từ thập niên 1850. Theo sử gia Erich Dorn Brose, người trong cuộc không lấy gì làm lạ với thái độ tân tiến của Wilhelm từ thập niên này: ngay từ trước năm 1848 và những năm tháng ở Koblenz, người ta đã nhìn thấy ông bầu bạn với các triều thần mang khuynh hướng tự do chủ nghĩa và doanh nhân thực thụ, đồng thời ủng hộ các phát minh như đường sắt, súng trường nạp hậu, đại bác rãnh xoắn và các chiến thuật quân sự mới mẻ.[23][24] Vị tân Nhiếp chính vương cũng là người chủ trương đối khánh quyền lực của nhóm cố vấn không chính thức camarilla của triều đình – những người gây rối ren cho bộ máy chính phủ bằng cách liên tiếp can thiệp vào công việc của các bộ trưởng, phản đối việc áp dụng tôn giáo vào các mục đích chính trị (đặc biệt là việc sử dụng bộ máy cảnh sát và mật thám để áp đặt quan điểm tôn giáo của nhà nước) dù ông là một tín độ Kháng Cách súng đạo, đồng thời không ưa chuộng phe bảo thủ cực đoan. Sự tân tiến trong tư tưởng của mình đã khiến ông trở thành niềm hy vọng lớn đối với phe dân tộc và tự do chủ nghĩa trong chính trị Đức, giống như anh ông vào năm 1840.[4][16][23][25]

"Cung Hoàng đế Wilhelm", nay gọi là Cố cung, tọa lạc trên đại lộ, Unter den Linden, Berlin.

Trong ngày đầu tiên thọ chức Nhiếp chính vương, Wilhelm đã triệu tập Nghị viện (Landtag) để xác lập nền cai trị của ông và vài tuần sau, trái ngược với lời khuyên của vua anh, ông đọc lời ngự thệ trung thành với hiến pháp, hứa hẹn sẽ giữ gìn hiến pháp "vững chắc và bất khả xâm phạm". Vào ngày 5 tháng 11 năm 1858, vị tân Nhiếp chính vương sa thải chính quyền quan liêu của Manteuffel, đồng thời thành lập chính phủ của "những người bảo thủ tự do" dưới sự lãnh đạo của Karl Anton, Vương tước Hohenzollern-Sigmaringen – một nhà quý tộc Nam Đức mang hơi hướm tự do. Mặc dù đa số các bộ trưởng trong chính phủ đều là những người bảo thủ, sự có mặt của những nhân vật mang khuynh hướng tự do như Bethmann Hollweg, Rudolf von Auerswald và Bá tước von Schleinitz, người đã ủng hộ tích cực kế hoạch Radowitz đã củng cố niềm tin của những người theo chủ nghĩa tự do đối với vị Nhiếp vương. Phe tự do tràn ngập trong không khí hân hoan đón mừng cái được tin là "Thời đại Mới" (Neue Ära) ở Phổ. Trừ một số người hòa nghi như Karl Marx, đa số dư luận tin rằng sự kiện Wilhelm thành lập chính phủ mới là một thay đổi quan trọng. Vào ngày 8 tháng 11, ông đọc một bài diễn văn trước chính phủ. Trích đoạn nổi tiếng trong bài diễn văn ủng hộ một chính sách ngoại giao mạnh mẽ nhằm xác nhận địa vị hàng đầu của Phổ ở Đức: "Phổ phải tiến hành các cuộc chinh phục về tinh nhân tâm tại Đức, thông qua một hệ thống lập pháp sáng suốt, bằng việc đề cao các nhân tố đạo đức và tận dụng các nhân tố của nền thống nhất như Liên minh Thuế quan". Sự phấn khởi trước các hoạt động ban đầu của Wilhelm đã trở thành động lực tinh thần dẫn đến thắng lợi của những người tự do ôn hòa trong các cuộc bầu cử Nghị viện Phổ vào cuối năm 1858. Các cuộc bầu cử diễn ra với số lượng người đi bỏ phiếu cao hơn rất nhiều so với các cuộc bầu cử trước đó năm 1855; thậm chí nhiều người dân chủ, vốn chủ trương không tham gia bỏ phiếu kể từ sau thất bại của cách mạng Đức, cũng tham gia bầu cử. Phe tự do giành đa số ghế tuyệt đối ở Viện Dân biểu, với 210 ghế. Trong khi đó, những người bảo thủ chỉ giữ được 59 trong 236 ghế trước đây của họ.[23][26][27][28]

Tượng Hoàng đế Wilhelm I ở Lübeck, do Louis Tuaillon thực hiện.

Thực chất, Wilhelm không hoàn toàn có chủ ý tự do hóa vương quốc. Trong các phát ngôn của mình, ông đã khẳng định bảo tồn quyền thế của vương triều, "không có sự cắt đứt nào với quá khứ"[23][26][27]. Theo nhà sử học Hajo Holborn, bằng việc thành lập chính phủ với các bộ trưởng đến từ một số phe cánh chính trị khác nhau, Wilhelm đã nhấn mạnh sự độc lập của triều đình đối với các đảng phái chính trị.[16] Tinh thần lạc quan của phe tự do vào mùa thu năm 1858 không kéo dài lâu. Chính phủ ban bố cải cách nội trị một cách chậm chạp và việc tiến hành cải cách vấp phải sự đối kháng cũng như các hoạt động trì hoãn của những người bảo thủ cùng với các quan tổng đốc. Viện Quý tộc đã ngăn chặn các đạo luật tự do trong bộ luật dân sự và các biện pháp cải cách thuế nhằm đánh vào đặc quyền của tầng lớp quý tộc địa chủ Junker. Trong khi đó, những người tự do cao tuổi chủ trương thỏa hiệp và điều đó gây bất mãn cho những người dân chủ và tự do trẻ tuổi.[28]

Ngay từ trước năm 1858, Otto von Bismarck đã cố gắng thuyết phục Wilhelm chấp thuận quan điểm của mình về vấn đề thống nhất nước Đức. Tháng 3 năm 1858, trong một bản tấu dài 92 trang, Bismarck thúc đẩy chính quyền Wilhelm thực hiện một chính sách chống Áo. Nhưng trái lại, Wilhelm chủ trương giữ một mối quan hệ ngoại giao tốt với Áo và điều đó đòi hỏi ông phải bổ nhiệm một công sứ mới tại Frankfurt. Do vậy, tháng 3 năm 1859, ông điều Bismark làm Đại sứ Phổ ở Sankt-Peterburg.[27]

Các vấn đề quân sự

Có một phần trong bài diễn văn ngày 8 tháng 11 của Wilhelm ít được dư luận chú ý. Trong đó, ông khuyến khích những thay đổi cần thiết về lực lượng vũ trang của đất nước tạo cho Phổ thế đứng vững mạnh trong hàng ngũ cường quốc châu Âu.[28] Sự tận tâm của ông đối với việc xây dựng phát triển lực lượng quân sự Phổ đã được thể hiện ngay từ ngày 23 tháng 10 năm 1857, khi ông bổ nhiệm tướng Helmuth von Moltke làm Tổng tham mưu trưởng. Lịch sử nhìn nhận đây là một trong hai cuộc bổ nhiệm quan trọng nhất mà ông đã từng thực hiện, cùng với sự kiện Bismarck nhậm chức Thủ tướng ngày 22 tháng 9 năm 1862.[5][29] Năm 1858, theo lời khuyên của tướng Edwin von Manteuffel, ông thành lập Nội các Quân sự nhằm thâu tập trung kiểm soát quân đội vào tay hoàng gia. Manteuffel được cử làm Bộ trưởng Nội các Quân sự.[30] Khi chiến tranh bùng nổ giữa Áo và liên minh Pháp-Sardegna năm 1859, Nhiếp chính vương đã phát lệnh cho Moltke tổng động viên ba quân đoàn Phổ và toàn bộ lực lượng kỵ binh để chuẩn bị khả năng tham chiến chống Pháp vào ngày 20 tháng 4. Nhưng cuộc tổng động viên diễn ra hỗn loạn và kết thúc với thất bại: trong thời điểm hiệp định hòa bình được ký kết giữa Pháp và Áo vào mùa hè năm 1859, các lực lượng của Phổ vẫn chưa hề sẵn sàng chiến đấu.[27][29]

Sự thất bại của cuộc tổng động viên đã khiến cho Wilhelm huyền chức vị Bộ trưởng Chiến tranh mang khuynh hướng tự do là Eduard von Bonin và thay ông này bằng một người bảo hoàng – Albrecht von Roon. Cùng với Moltke, Roon đã tiến hành cải cách quân đội trước bối cảnh căng thẳng gia tăng trong quan hệ giữa các liệt cường Âu châu. Với mong muốn gầy dựng lực lượng quân sự bài bản, Wilhelm tích cực ủng hộ đề xuất của Roon nhằm áp đặt luật nghĩa vụ quân sự ba năm đối với mọi công dân, thúc đẩy sự gia tăng quân số quân đội nhà nghề của Phổ từ 5 vạn lên 11 vạn binh sĩ, đồng thời giảm kích cỡ và vai trò của lực lượng Dân quân, đặt lực lượng này dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan quân đội Phổ. Sự thay đổi này phụ hợp với ý muốn của Wilhelm nhằm biến Dân quân thành lực lượng trừ bị của quân đội. Cũng như những người bảo thủ khác, ông nhìn nhận Dân quân là một hệ thống mang tính chất dân chủ, đe dọa đến quyền lợi của họ.[29][30][31]

Khi Roon đệ trình kế hoạch của mình lên Nghị viện vào đầu năm 1860, các nghị viên theo chủ nghĩa tự do hoảng hốt. Họ không muốn để cho quan Nhiếp chính dồn phần lớn nhất của ngân sách vào chi tiêu quân sự, làm tiêu tốn những khoản ngân quỹ có thể được sử dụng để xây dựng đường sá và cầu cống. Thêm vào đó, sự căm ghét của họ đối với đội ngũ sĩ quan và sự xem nhẹ của Roon đối với Dân quân – lực lượng gắn liền với huyền thoại của phe tự do về cuộc "chiến tranh giải phóng" năm 1813 đã lan rộng mâu thuẫn về vấn đề cải cách quân đội thành một cuộc xung đột giữa quân đội và công chúng, hay giữa vương triều và quốc hội. Tuy nhiên, do hai bên vẫn hy vọng tránh được một cuộc đối đầu trực tiếp, Nghị viện đã phê duyệt một khoản ngân sách tạm thời cho quân đội Phổ vào tháng 5, dựa trên lời hứa rằng chính phủ sẽ không tiến xa với công cuộc cải tổ quân đội cho đến khi một đạo luật chính quy được ban hành. Trên thực tế, Wilhelm không bao giờ chờ đợi; ông chủ trương thẳng tiến với việc gầy dựng các trung đoàn mới. Cả ông và các sĩ quan của mình đều không tin rằng quân đội thuộc về sự kiểm soát của Nghị viện. Đối với họ, quân đội gắn với trách nhiệm thiêng liêng của quân vương. Wilhelm cũng không hề dự định thỏa hiệp về vấn đề nghĩa vụ quân sự ba năm và vai trò của Dân quân.[27][30]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Wilhelm_I,_Hoàng_đế_Đức http://books.google.com/books?id=ZGdkAAAAMAAJ&pg=P... http://books.google.com/books?isbn=0521497523 http://www.historynet.com/the-day-of-doom-the-batt... http://www.imdb.com/title/tt0032255/ http://www.imdb.com/title/tt0034704/ http://www.tvguide.com/celebrities/maurice-denham/... http://www.dhm.de/lemo/html/biografien/WilhelmI/in... http://www.dhm.de/lemo/html/kaiserreich/aussenpoli... http://www.dhm.de/lemo/html/reaktion/deutscherbund... http://books.google.de/books?id=dSWDAAAAMAAJ&q=%22...